Tinh Thần Hãm Mình Trong Bữa Ăn Giờ chơi và nhà khách Trong mọi lúc, Chị lợi dụng những dịp nhỏ mọn để hy sinh hãm mình mà không phương hại đến sức khoẻ. Thật là những thực hành nho nhỏ nhưng Chúa tỏ quyền phép Ngài ra ngay trong việc tạo dựng những vật thật bé nhỏ cũng như trong những vật thật to lớn. Và hình như Têrêsa đã khám phá ra sức mạnh đó trong muôn vàn hành động ti tiểu. Chị thú nhận với tôi rằng ngay từ hồi thơ ấu Chị đã cảm thấy chán ngán những bữa ăn. Chị không thể hiểu tại sao người ta cứ thết tiệc nhau và coi đó như là mục đích các cuộc hội họp vậy. Chị nói: “Ngay khi người ta muốn được ai hiện diện là người ta mời kẻ đó tới dự tiệc. Lạ lùng chưa! Đáng lẽ người ta phải hổ thẹn khi làm việc đó, và phải làm cách kín đáo nữa. A! Nếu Chúa chúng ta và Mẹ Maria không dùng bữa, có lẽ em sẽ không bao giờ ăn uống gì cả”94. Cuối đời, Chị bệnh nặng, phải ăn theo thực đơn riêng. Vì thế Chị nói với tôi: “Điều này làm em khổ tâm lắm chị ạ! Nhưng em muốn làm điều đó vì đây chính là ý Chúa mà em phải thi hành qua sự hèn mọn này”.
Ý ngay lành ở nhà cơm Khi tôi hỏi Chị làm sao để thánh hoá những bữa ăn thì Chị trả lời: “Phải làm công việc tự nó rất thấp hèn này trong tâm tình liên kết với Chúa chúng ta. Chị mang nặng những tâm tình đó và linh hồn Chị chơi vơi theo hương vị của tình yêu vời vợi. Sau đây là những hãm mình Chị thực hành trong bữa ăn, vì các việc làm khác Chị đểu không được phép. Khi cán dao hay thìa còn dơ nên dính tay, Chị luôn giữ mình để khỏi mất dịp hy sinh. Đây thực là việc làm Chị phải cố gắng rất nhiều. Hơn nữa Chị còn giữ nguyên như vậy cho đến hết bữa ăn. Có năm, trong những tuần cuối mùa Chay, tại nhà cơm đọc sách về sự Thương Khó Chúa. Chị bảo tôi rằng nghe đoạn sách đó làm Chị chán ngán không muốn dùng bữa, và có ăn thì chỉ là bó buộc, ăn như vụng trộm vậy vì Chị coi việc ăn uống là hành động thật thấp kém. Trong những lúc đó Chị thường nhịn uống cho tới khi người đọc sách dừng lại, hay tới khi đoạn sách ít cảm động hơn. Lúc đó Chị mới vội vàng uống như giấu giếm vậy, vì Chị bảo “ăn thì không thể bỏ được, nhưng uống thì có thể nhịn, và đây thật là niềm an ủi”. Chị kể cho tôi nghe điều đó không phải để khuyên tôi theo gương Chị, nhưng là để cho tôi hay Chị bị xúc động chừng nào khi nghe sự Thương Khó Chúa Giêsu đã chịu vì chúng ta. Ở nhà cơm, Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu có những tập quán ngây thơ đáng yêu, Chị đã hồn nhiên thuật lại cho chúng tôi hay: “Em tưởng mình đang ở Nazareth trong nhà Thánh Gia. Chẳng hạn, nếu người ta dọn rau, cá, rượu hay thức gì thuộc về chất mạnh, thì em dâng những món đó cho Thánh Giuse. Đối với Đức Mẹ, em sẽ dâng Người những phần ăn nóng hổi, những quả chín ngon ngọt… Còn những món ăn ngày đại lễ, đặc biệt cháo ngọt, cơm, mứt, em sẽ dâng lên Chúa Giêsu Bé Thơ. Cuối cùng, khi dùng bữa ăn xoàng, em sẽ vui vẻ tự nhủ: Hôm nay, hỡi cô gái nhỏ yêu quý của ta, tất cả những cái đó là dành để cho cô đó!”. Chị giấu không cho chúng tôi thấy Chị hy sinh phạt xác bằng cách giữ bộ diện bên ngoài luôn tươi vui. Tuy thế, trong một ngày ăn chay, Mẹ Bề trên bảo Chị cần dưỡng sức hơn thì một chị nhà tập thấy Chị chế thêm cây khổ ngải là một loại cây rất đắng vào thức ăn. Lần khác, tôi thấy Chị thong thả uống một chất thuốc có mùi vị thật khó chịu nên vội bảo: - Này Chị! Uống lẹ lên chứ, uống liền một hơi cho đỡ đắng! - Không, há em không biết lợi dụng dịp nhỏ này để hãm mình một chút sao? Vả, em có lệnh cấm không được làm những hy sinh lớn lao khác kia mà!
Làm sao thánh hoá giờ chơi Chị Têrêsa nói: “Chính khi chơi là lúc thuận tiện hơn các dịp khác để tập nhân đức. Nếu chị muốn rút được ích lợi lớn lao trong các giờ đó thì chị đừng ra chơi với tư tưởng là để mình giải trí, mà là để làm cho người khác được giải trí. Hãy nhân dịp này mà tập tinh thần hoàn toàn từ bỏ. Chẳng hạn, chị kể cho một chị nào nghe một câu chuyện đối với chị có vẻ hấp dẫn, nhưng nếu người khác ngắt ngang câu chuyện chị đang kể, thì chị hãy chú ý lắng nghe họ. Cho dù câu chuyện không làm chị hứng thú chút nào hết, thì chị cũng đừng tìm dịp trở lại câu chuyện trước. Hành động như thế, khi hết giờ chơi, chị sẽ thấy tâm hồn an bình và được thêm sức mạnh mới để luyện tập nhân đức, vì chị chơi không cốt để làm theo ý riêng, nhưng là làm cho toàn thể các chị em khác vui vẻ. Ước gì người ta hiểu được những ích lợi do tinh thần từ bỏ mang lại! - Điều này dĩ nhiên chị biết rõ rồi, nhưng chị có luôn làm như vậy không? - Phải, em biết thế, nhưng em quên mất và từ nay em sẽ cố gắng không tìm ý riêng nữa. Điều này thật đúng! Vì Chị đã tập được tinh thần từ bỏ hoàn toàn, Chị làm cách quá dễ dàng tới nỗi người ta tưởng bản tính Chị vốn như thế. Tuy nhiên, Chị có được nhân đức này, là vì Chị đã quảng đại đáp lại ơn Chúa. Đây là bằng chứng về tâm tình đó: Tôi nêu ra nhận xét là trong giờ chơi, thỉnh thoảng người ta thấy ngứa miệng muốn nói toạc một sự thật ra, nhất là sự thật có giá trị, thì Chị cũng nhận rằng có thấy cám dỗ đó. Điều này không lạ gì vì trí khôn Chị rất sắc bén, những câu trả lời tế nhị trào phúng lúc nào cũng như thiêu đốt trên môi Chị vậy! Nhưng Chị luôn chiến thắng trong nghệ thuật giữ gìn kẻo lộ tài hoa mình ra.
Hãm mình ở nhà khách Khi ra tiếp khách, Chị ngồi yên lặng nghe người khác nói. Chị chỉ trả lời khi có ai hỏi. Chị dè dặt đến nỗi người trong gia đình cho Chị là vô vị. Họ bảo “vì vào Dòng sớm quá, nên việc giáo dục Chị bị thiếu sót và có ảnh hưởng tới cả đời Chị!”. “Khi em đã lìa cõi đời, xin các chị đừng lúc nào cũng quây tụ lại với nhau như ở gia đình nữa, cũng như đừng kể cho nhau biết những mẩu chuyện nghe được khi tiếp khách nếu chưa có phép, và cũng chỉ xin phép khi thấy có ích lợi, chứ không phải chỉ để giải trí mà thôi”. Chị luôn tìm cách trốn tránh cho khỏi phải ở lại phòng khách, khi Chị đoán trước sẽ có điều chi làm Chị thích thú. Nhưng nếu cần phải hy sinh giúp đỡ thì Chị không cần để ai phải van nài cả.
|